(Tin đua xe F1) Chặng Belgian GP cuối tuần trước đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều về cách mà Liên đoàn Ô tô Thế giới (FIA) và F1 để các tay đua hoàn thành 2 vòng thủ tục để lấy kết quả cuối cùng.
Belgian GP 2021 chỉ hoàn thành một vòng đua để tính điểm: Nỗ lực không được ghi nhận
Cơn mưa lớn tại Spa đã khiến thời điểm xuất phát lùi lại 25 phút, sau khi hoàn thành 2 vòng formation lap “diễu hành” sau xe an toàn, tín hiệu cờ đỏ tạm dừng xuất hiện. Cuộc đua tiếp tục gián đoạn trong gần 3 tiếng tiếp theo với mưa lớn tiếp tục ảnh hưởng tới trường đua, khiến FIA quyết định để các tay đua ra đường chạy hoàn thành thêm 2 vòng sau xe an toàn trước khi trở lại pit và kết thúc chặng đua 20 phút sau.
Theo quy định thể thao của F1 hiện hành, các tay đua cần hoàn thành tối thiểu 2 vòng để nhận được ½ số điểm thưởng cho top 10 về đích theo hệ thống điểm thưởng hiện tại áp dụng trong trường đua cuộc đua bị rút ngắn. Điều 6.5 quy định:
“Nếu một lượt chạy Sprint qualifying và cuộc đua chính tạm dừng theo điều 50, và không thể tiếp tục trở lại, không trao điểm nếu người dẫn đầu hoàn thành ít hơn 2 vòng, ½ số điểm được trao nếu người dẫn đầu đã hoàn thành được từ 2 vòng đến dưới 75% quãng đường ban đầu của sprint qualifying hoặc cuộc đua chính và trao 100% số điểm nếu người dẫn đầu hoàn thành được trên 75% quãng đường ban đầu của sprint qualifying hoặc cuộc đua chính.”
Trong khi đó Điều 51.14 nêu rằng: “Nếu một lượt chạy Sprint qualifying và cuộc đua chính không thể tiếp tục trở lại, kết quả sẽ được lấy ở cuối vòng áp chót trước vòng đang chạy mà tín hiệu cờ đỏ được đưa ra…”’
Có thể hiểu đơn giản, cờ đỏ được đưa ra ở vòng 3, nên kết quả cuối cùng FIA công nhận sẽ lấy ở vòng 1.
Như vậy với mục đích xác định kết quả chung cuộc, điều 51.14 sẽ áp dụng, trong khi đó, để tính điểm, điều 6.5 sẽ được áp dụng; tức là người dẫn đầu đã vượt qua vạch xuất phát/đích 3 lần (bắt đầu vòng thứ 4), nên đã tuân thủ yêu cầu người dẫn đầu hoàn thành hơn 2 vòng để trao ½ số điểm.
Nhiều tay đua tỏ ra không hài lòng với quyết định mang tính thủ tục của FIA. Lần lượt các ‘cựu binh’ như Lewis Hamilton, Fernando Alonso hay Sebastian Vettel cùng các tay lái trẻ như Carlos Sainz và Lando Norris đều lên tiếng cho rằng không thể cho điểm các tay đua trong “cuộc đua” này và FIA đã quyết định sai lầm khi để các tay đua “diễu hành” 2 vòng để hoàn thành thủ tục lấy kết quả cuối cùng.
Họ đã kêu gọi ban tổ chức hoàn lại tiền vé cho những người hâm mộ đã “dầm mưa” trong 4 tiếng đồng hồ để chờ đợi cuộc đua diễn ra.
Các giải đấu khác như IndyCar hay NASCAR có khả năng lùi cuộc đua sang ngày thứ 2 trong trường hợp trời đổ mưa lớn ngày đua chính thức. Nhưng đối với F1, có rất nhiều yếu tố trong công tác tổ chức cuộc đua khiến phương án này gần như bất khả thi.
Chúng ta có thể liệt kê đội ngũ nhân viên đường đua, là những tình nguyện viên đóng vai trò không hề nhỏ, họ có công việc toàn thời gian vào các ngày bình thường nên khó có thể sắp xếp để tham gia ngày thứ 2.
Một yếu tố khác áp dụng trong bối cảnh chặng đua này, nằm trong chuỗi 3 chặng đua liên tiếp (sau đây là Hà Lan GP tại Zandvoort) trong 3 tuần, nên lịch trình bị đẩy lùi 1 ngày là một khó khăn lớn cho tất cả thành viên tham gia F1.
Chính vì những lý do trên, FIA, F1 và 10 đội đua sẽ ngồi thảo luận với nhau trong cuộc họp diễn ra vào tháng 10 tới để xem xét lại tính hiệu quả và thực tiễn của bộ luật hiện hành. Từ đó, họ phải đưa ra những thay đổi cần thiết để ngăn chặn những chặng đua tương tự lặp lại trong tương lai.
- Le Mans 24h 2021: Toyota có chiến thắng năm thứ 4 liên tiếp
Le Mans 24h năm 2021 đã được tổ chức vào ngày 21-22/08 vừa qua, muộn hơn 2 tháng so với thông lệ hàng năm nhằm gia tăng khả năng khán giả được phép vào trường đua cổ vũ cho cuộc đua bền bỉ nổi tiếng thế giới này.
Mùa giải 2021 của giải World Endurance Championship chỉ bao gồm vỏn vẹn 6 chặng đua, bắt đầu từ 1/5 tại trường đua Spa-Francorchamps, Bỉ và kết thúc tại Bahrain ngày 6/11.
Năm nay đánh dấu sự thay đổi lớn trong quy chuẩn kỹ thuật của hạng xe cao nhất của giải WEC. Chiếc xe nguyên mẫu LMP1 – LMP1 Prototypes đắt đỏ được sử dụng trong 8 năm đầu tiên của giải đã được thay thế bằng mẫu xe mới mang tên Le Mans Hypercars.
Tuy nhiên, các thiết kế LMP1 đã từng dùng trước đây sẽ vẫn được sử dụng ở mùa giải này. Việc giới thiệu Hypercars đã thu hút rất nhiều nhà sản xuất xe hàng đầu thế giới bày tỏ mong muốn tham dự WEC trong tương lai, trong đó có Peugeot và Ferrari (đã xác nhận năm 2022 và 2023) cùng với Aston Martin, Audi hay Porsche cũng bày tỏ ý định trở lại.
Ở mùa này, có 3 đội đua tham dự hạng Hypercars bao gồm Toyota (Nhật Bản) và Glickenhaus (Mỹ) và Alpine (Pháp). Ngoài ra, còn có cựu tay đua F1 Juan Pablo Montoya (Colombia) có lần thứ 3 thử sức với Le Mans 24h để giành được Triple Crown của đua xe, sau khi đã giành chiến thắng Indy500 năm 2000 và 2015; Monaco GP F1 năm 2003.
Bên cạnh đó những tên tuổi từng tham dự F1 góp mặt tại Le Mans 24h 2021 bao gồm: Kamui Kobayashi, Sebastien Buemi, Brendon Hartley, Paul di Resta, Giancarlo Fisichella, Giedo van der Garde, Anthony Davidson, Robert Kubica, Stoffel Vandoorne, Roberto Merhi, Gianmaria Bruni, Felipe Nasr, cùng cặp cha con Jan và Kevin Magnussen đầu quân cho cùng đội đua ở hạng LMP2.
Đội đua chủ nhà Alpine có chương trình biểu diễn các chiếc xe của hãng cùng với hai tay lái F1 hiện tại, Fernando Alonso và Esteban Ocon. Alonso đi vào lịch sử khi là tay lái đầu tiên chạy một chiếc xe F1 trên đường đua tại Le Mans, còn Ocon chạy chiếc A110 GT4.
Alpine được đồn đoán sẽ cam kết tham dự lâu dài trong giải WEC cùng với F1 và sẽ cạnh tranh với Toyota hiện đang thống trị hạng đua cao nhất trong vài năm qua.
Thế nhưng mọi nỗ lực đều bất thành khi Toyota tiếp tục tỏ ra thống trị để có năm thứ 4 liên tiếp đăng quang tại Le Mans 24h. Năm nay, chiếc xe số 7 của họ có chức vô địch đầu tiên.
Bộ ba Mike Conway, Kamui Kobayashi và José María López đều đã có ít nhất 5 lần tham dự Le Mans 24h nhưng phải tới năm 2021 họ mới lần đầu tiên cán đích thứ 1 cuộc đua danh giá này. Chiếc xe số 8 của Toyota về thứ 2 trong khi Alpine giành vị trí podium cuối cùng.